Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Tìm kiếm và giữ chân nhân sự lành nghề luôn là bài toán đau đầu với các DN bảo hiểm - Ảnh: Hoài Nam
(ĐTCK-online) Mặc dù hầu hết công ty bảo hiểm đều đang ăn nên làm ra trong sự khởi sắc chung của nền kinh tế, nhưng từ đầu năm đến nay, nhân sự bảo hiểm vẫn có sự dịch chuyển mạnh.

 Điểm qua những công ty bảo hiểm lớn, đặc biệt trong khối nhân thọ, lực lượng lao động có sự thay đổi khá nhanh. Không chỉ tại những công ty đã có mặt ở Việt Nam khá lâu như Prudential, AIA Việt Nam, nhân sự của những “chiến binh” mới góp mặt như Korea Life hay Liberty cũng đã có một số xáo động nhất định. Thậm chí, những công ty có những chính sách giữ người khá tốt như Manulife - nổi tiếng tập trung vào việc phát triển nhân lực từ nội bộ, hay ACE Life với những quyết tâm tạo ra môi trường làm việc mới với những yếu tố: công ty Việt, nhân lực Việt và văn hóa Việt, chỉ có duy nhất vốn là của Mỹ..., giờ cũng phải đối mặt với sự thay đổi cơ cấu lao động.
Nhân sựbảo hiểm đang được ví như “mùa thu thay lá”- mỗi mùa qua đi lại thấy những chiếc lá mới và cũng có thể là những “chiếc lá cũ” từ “cây” khác bay qua. Thực tế, đề tài nhân sự lúc nào cũng nóng, vì thuyên chuyển, nhảy việc là chuyện muôn thủa ở các ngành, các DN, chứ không chỉ riêng ngành bảo hiểm. Trên thực tế, chỉ có 3 lý do chính dẫn đến việc luân chuyển nhân sự: vì không hợp với môi trường công việc hiện tại, vì thu nhập cao hơn và vì cơ hội thăng tiến. Nhân sự bảo hiểm cũng không nằm ngoài quy luật này, nhưng vì là một thị trường còn khá mới tại Việt Nam, nên nhân sự lành nghề trong ngành bảo hiểm cũng khá hiếm và tất nhiên sự vào cuộc của Generali - một công ty bảo hiểm mới của Ý (và trong năm 2010 có thể sẽ có thêm vài công ty nữa) cũng là một cơ hội mới cho những người muốn thay đổi chỗ ngồi đã quá lâu tại các công ty cũ. Và mỗi sự xuất hiện thêm một “chiến binh” mới trên thị trường bảo hiểm lại khiến lãnh đạo những công ty bảo hiểm khác thêm đau đầu.
Một chuyên gia trong ngành bảo hiểm và cũng là người đã có thâm niên nhảy việc tại khá nhiều công ty bảo hiểm từ phi nhân thọ sang nhân thọ chia sẻ, đánh giá về chuyện chuyển dịch nhân sự thì trong cả phi nhân thọ và nhân thọ đều có, bởi vì cách nhanh nhất để bắt đầu khởi sự một công ty bảo hiểm là tuyển nhân sự của công ty khác. Đối với kinh nghiệm đã trải qua những lần chuyển công ty, vị này cho rằng, lương, thưởng là yếu tố quan trọng khiến người lao động ra đi, nhưng đó không phải là yếu tố quyết định.
“Một môi trường làm việc, một công việc phù hợp với chuyên môn và sự đồng nhất quan điểm giữa đội ngũ lãnh đạo mới là những yếu tố quan trọng để giữ chân nhân sự”, vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, sự dịch chuyển nhân sự trong ngành bảo hiểm thời điểm hiện tại có vẻ hơi khác so với sự dịch chuyển hồi cuối năm 2009 - thời điểm sự chuyển dịch nhân sự quản lý kinh doanh diễn ra mạnh mẽ. Còn hiện tại, nhiều công ty bảo hiểm, đặc biệt là trong khối bảo hiểm nhân thọ, lại đang chứng kiến sự thay đổi “chóng mặt” của nhân sự marketing và PR. Đặc biệt, tại một công ty bảo hiểm nhân thọ đã có mặt ở Việt Nam hơn 10 năm, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 5 nhân sự thuộc khối này ra đi.
Nhân sự cấp cao, nếu được hiểu là đã có ít nhất 5 năm kinh nghiệm, thì trong ngành bảo hiểm nhân thọ là khá khó kiếm, bởi thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu mở cửa được 10 năm. Thực tế, tuyển dụng nhân sự từ lĩnh vực khác để vào làm cho các công ty bảo hiểm không phải quá khó, nhưng hầu hết công ty bảo hiểm đều muốn tuyển dụng người đã từng làm trong lĩnh vực bảo hiểm và nếu từ đội ngũ đại lý hay đại diện kinh doanh đi lên thì tốt nhất. Nhưng theo một con số thống kê, có đến khoảng 80% đại lý bảo hiểm nghỉ việc trong vòng 12 tháng đầu tiên bước chân vào nghề bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cho đến nay luôn luôn có nhu cầu tuyển dụng đại lý mới để phát triển kinh doanh và thay thế các đại lý nghỉ việc. Đặc biệt, đối với nhân sự lành nghề thì cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ vẫn luôn thiếu ở các mảng định phí, marketing, phát triển sản phẩm và quản lý kinh doanh.
Vấn đề thiếu hụt nhân sự cũng đã gây không ít khó khăn cho các công ty bảo hiểm trong chiến lược mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Trưởng phòng maketing của một công ty bảo hiểm nhân thọ tại TP. HCM than thở với ĐTCK rằng, nhân sự phòng này chuyển dịch nhiều trong khi tuyển dụng không kịp, khiến công việc chất đống lên vai những nhân viên còn lại. Vì thế, ai cũng phải làm việc dưới một sức ép rất lớn.
Để hỗ trợ các công ty bảo hiểm về nguồn nhân lực, mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã phối hợp với Học viện Tài chính mở khóa đào tạo văn bằng 2 cử nhân bảo hiểm… Tuy nhiên, cái thiếu nhất hiện không phải là những nhân viên còn non kinh nghiệm mà là lực lượng lãnh đạo các công ty bảo hiểm. Để tìm kiếm và giữ chân được phân khúc nhân sự này, đối với các DN bảo hiểm, vẫn là một bài toán đau đầu.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét